Mục lục [Ẩn]
Kháng kháng sinh đã trở thành vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Mỗi năm có hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc và phải chi phí hàng chục tỷ USD cho kháng thuốc. Việc sử dụng kháng sinh không thích hợp sẽ thúc đẩy sự phát triển tình trạng kháng thuốc. Dùng kháng sinh quá liều, không đủ liều, dùng sai chỉ định đều góp phần làm nặng thêm tình trạng kháng thuốc.
Mới đây, một dụng cụ đã được Anh nghiên cứu hỗ trợ tìm ra kháng sinh điều trị cho bệnh nhân nhiễm trùng do vi khuẩn trong thời gian ngắn, làm giảm đáng kể tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.
Kháng kháng sinh là gì?
Kháng kháng sinh là khả năng của một vi sinh vật (vi trùng, virus và một số ký sinh trùng) ngăn chặn tác dụng của một thuốc chống lại nó (như kháng sinh, thuốc kháng virus và thuốc chống sốt rét). Dẫn tới các phương pháp điều trị trở nên không hiệu quả, vi sinh vật gây bệnh vẫn tồn tại, phát triển mạnh hơn và có thể lan sang người khác.
Kháng sinh không còn hiệu của với vi sinh vật
Cơ chế kháng kháng sinh của vi khuẩn?
Vi khuẩn đề kháng kháng sinh theo 4 cơ chế:
-
Thứ nhất: vi khuẩn ngăn cản kháng sinh xâm nhập vào bên trong chúng bằng cách củng cố hoặc biến đổi cấu trúc các màng bảo vệ của chúng. Ví dụ như vi khuẩn Gram âm có lớp màng ngoài (outer membrane) để ngăn cản kháng sinh thấm vào bên trong.
-
Thứ hai: vi khuẩn tạo ra các bơm đẩy để bơm kháng sinh ra ngoài. Ví dụ như trực khuẩn mủ xanh có thể tạo ra bơm đẩy nhóm kháng sinh quinolon, beta lactam dẫn đến kháng sinh bị vô hiệu hóa.
-
Thứ ba: vi khuẩn sản xuất ra các men (enzymes) để phá hủy kháng sinh như các men penicillinase, beta lactamase phổ rộng, carbapenemase... Đây là cách thức phổ biến mà vi khuẩn tạo ra để chống lại hầu hết các nhóm kháng sinh. Ví dụ như Klebsiella pneumoniae sinh ra men carbapenemase KPC phá hủy nhóm carbapenem; Escherichia coli sinh beta lactamase phổ rộng ESBL kháng cephalosporin...
-
Thứ tư: vi khuẩn biến đổi cấu trúc các bộ phận của chúng, làm cho kháng sinh không nhận ra đích tác dụng. Ví dụ như thay đổi protein gắn penicillin PBP là cách mà vi khuẩn chống lại kháng sinh nhóm beta lactam. Đột biến gen mã hóa cho men DNA-gyrase là cách để kháng lại nhóm kháng sinh quinolon.
Đôi khi, vi khuẩn không chỉ sử dụng một trong các cách trên mà chúng kết hợp đồng thời nhiều cách để kháng lại rất nhiều nhóm kháng sinh khác nhau, được gọi là các chủng vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Ví dụ: những vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn bệnh viện như trực khuẩn mủ xanh, Acinetobacter baumanii... có thể đề kháng lại hầu hết các nhóm kháng sinh đang có.
Hiện nay, kháng sinh đồ là phương pháp thực hiện phổ biến nhằm xác định mức độ nhạy cảm của kháng sinh thử nghiệm đối với vi khuẩn gây bệnh, cũng có nghĩa là phát hiện sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn thử nghiệm. Qua đó bác sĩ có thể sử dụng được đúng loại kháng sinh thích hợp để điều trị với từng bệnh nhân. Tuy nhiên phương thức này thông thường mất tối đa 4 ngày mới có kết quả.
Phương pháp mới giúp xét nghiệm nhanh vi khuẩn gây nhiễm trùng
Thực trạng kháng kháng sinh ngày càng phổ biến
Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Southampton (Anh) đã phát triển một dụng cụ mới hỗ trợ chẩn đoán nhanh nhóm vi khuẩn gây nhiễm trùng và qua đó rút ngắn thời gian tìm ra cách thức điều trị cho bệnh nhân.
Đáng chú ý, dụng cụ mới này được chế tạo chủ yếu từ giấy, có tổng cộng 3 lớp. Lớp trên cùng chứa 4 loại kháng sinh phổ biến gồm Amoxicillin, Ciprofloxacin, Gentamicin và Nitrofurantoin tại 4 góc vuông của dụng cụ; lớp giấy quỳ nằm giữa và lớp cuối là gel trong suốt. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tia laser ép 3 lớp này với nhau.
Vận hành tương tự như que thử thai, chỉ cần đổ mẫu chất lỏng xét nghiệm, như nước tiểu của người bệnh, vào dụng cụ nhỏ này, các bác sĩ có thể sớm xác định được loại vi khuẩn trong mẫu xét nghiệm thông qua sự đổi màu ở góc giấy chứa loại kháng sinh đó và từ đó xác định loại kháng sinh điều trị thích hợp hoặc cả các trường hợp bệnh không thể điều trị bằng 4 loại kháng sinh thông dụng nói trên.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Southampton, chi phí sản xuất dụng cụ này khá rẻ. Cả y tá và bác sĩ đều có thể sử dụng dụng cụ này để chẩn đoán mà không cần đến phòng thí nghiệm. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí "Biosensors and Bioelectronics" ngày 25/2.
Với tình trạng kháng kháng sinh ngày càng phổ biến do sử dụng thuốc không đúng cách hiện nay, dụng cụ mới này sẽ đặc biệt hữu ích giúp giảm việc kê thuốc kháng sinh không cần thiết cho các bệnh nhân, qua đó, giảm lượng kháng sinh bị sử dụng sai mục đích cũng như làm giảm nguy cơ kháng kháng sinh. Hy vọng thông tin trên hữu ích với quý bạn đọc.
XEM THÊM: